Header Ads Widget

Ticker

6/recent/ticker-posts

CCNA & MCSA/MCITP bạn đã hiểu đến đâu?

CCNA LÀ GÌ – MCSA LÀ GÌ?
Nếu đặt câu hỏi “Mạng” là gì, sẽ có rất nhiều câu trả lời và câu trả lời gần gũi nhất chính là những ứng dụng chúng ta sử dụng hàng ngày: lướt Web tra thông tin, gửi/nhận email, chat với bạn bè, chơi game online. Đó được gọi là những ứng dụng mạng, là những phần mềm, những tiện ích mà người dùng như tôi và bạn thao tác. Để sử dụng được những ứng dụng này, bạn cần cắm dây mạng vào thiết bị chuyển mạch (switch), cần có đường Internet… Vì vậy, một cách đơn giản nhất, ta có thể chia khái niệm “mạng” làm hai phần: phần ứng dụng phần hạ tầng.
CCNAMCSA được xếp vào 2 phần này. CCNA xếp vào phần hạ tầng còn MCSA xếp vào phần ứng dụng.
Phần ứng dụng là các phần mềm, các công cụ, tiện ích sử dụng trong mạng. Chương trình MCSA/MCITP cung cấp cho chúng ta các kiến thức về hệ thống Windows từ ứng dụng Windows trên các máy trạm (users) đến nền tảng Windows server cho các máy chủ chuyên dụng. Chứng chỉ này của Microsoft này sẽ cho bạn các kiến thức và kỹ năng thực hành về hệ điều hành Windows Server 2008/2012, các ứng dụng mạng trên hệ điều hành này như Active Directory, DNS, Web server, Mail server, Proxy, Firewall… Qua đó, khi đi vào môi trường thực tế, chúng ta có thể trở thành người quản lý hệ thống máy chủ Windows và triển khai các ứng dụng mạng trên nền tảng Windows Server.
CCNA có thể được xếp ở phần hạ tầng. Nếu ở trên, các bạn thấy rất nhiều ứng dụng mạng trên hệ điều hành Windows Server và chương trình MCSA, thì ở hạ tầng, các bạn sẽ có được câu trả lời các ứng dụng này được truyền đi ra sao trong mạng. Để các ứng dụng chạy được, các bạn phải có một hạ tầng ở bên dưới. Hạ tầng bao gồm hệ thống các thiết bị chuyển mạch, định tuyến, bảo mật… để các dữ liệu của ứng dụng truyền đi được từ máy này sang máy kia, từ hệ thống này sang hệ thống kia. Bạn sẽ hiểu khi chúng ta bấm nút Enter để gửi một tin nhắn Yahoo cho bạn bè, dòng thông tin đó sẽ được truyền ra sao từ máy của chúng ta đến máy của người bạn. Hạ tầng hiểu một cách đơn giản, như con đường, như hệ thống giao thông để thông tin từ các ứng dụng di chuyển. CCNA sẽ cho bạn các kiến thức căn bản về mạng như địa chỉ IP, các giao thức mạng, phương thức một gói tin truyền đi trong mạng và ứng dụng nó trên các thiết bị mạng của Cisco System, một trong những hãng phát triển các giải pháp và thiết bị mạng lớn nhất thế giới.
Tóm lại, MCSA cung cấp cho chúng ta kỹ năng và kiến thức về các phần mềm, ứng dụng mạng, cài đặt, vận hành, thao tác nó ra sao trên nền tảng hệ điều hành Windows. Còn CCNA cung cấp cho chúng ta kiến thức căn bản về hạ tầng mạng, các giao thức mạng và cách vận hành các thiết bị mạng của Cisco.
HOÀN THÀNH KHÓA HỌC CCNA VÀ MCSA, TÔI ĐẠT ĐƯỢC GÌ?
Như ở trên tôi đã trình bày, bạn có thể hiểu CCNA và MCSA khác nhau cơ bản ra sao. Vậy nếu tôi là một học viên, bắt đầu lựa chọn hướng đi cho mình trong thế giới mạng, tôi chọn gì?
CCNA cung cấp cho chúng ta kiến thức căn bản về hạ tầng mạng, các giao thức mạng để thông tin truyền đi giữa các hệ thống với nhau và việc ứng dụng nó để triển khai vận hành trên các thiết bị Cisco. Vậy với CCNA, nếu đánh đồng đó với chữ Quản trị mạng mà các học viện hay quảng cáo hiện nay thì thực sự không chính xác. Với CCNA trong tay, Quản trị mạng chỉ là một hướng đi nhỏ trong số rất nhiều ngành nghề tại Việt Nam. Khi có CCNA, chức danh của các bạn sẽ là một kỹ sư hạ tầng mạng (Networking Engineer). Ở Việt Nam, Cisco có các kênh Partner bao gồm những doanh nghiệp lớn sẽ cung cấp thiết bị, giải pháp và triển khai hạ tầng mạng Cisco cho các khách hàng. Đó có thể sẽ là một hướng đi hay hơn, khi các bạn trở thành kỹ sư tích hợp hệ thống, xây dựng hạ tầng cho khách hàng, cấu hình, triển khai nó. Theo nghề này, các bạn sẽ được va chạm nhiều với các công nghệ, thiết bị khác nhau và sẽ phát triển kiến thức, kinh nghiệm rất nhiều.
Một hướng đi nữa là vào các ISP (nhà cung cấp dịch vụ) như Viettel, VDC, FPT để cung cấp hạ tầng mạng cho các khách hàng thuê kênh thông tin.
Còn Quản trị mạng, bạn sẽ là một nhân viên IT trong một doanh nghiệp (ví dụ một ngân hàng), ngày ngày theo dõi, vận hành hệ thống hiện tại để đảm bảo nó hoạt động trơn tru. Còn khi hệ thống cần nâng cấp, xây dựng mới thì sao? Các công ty đối tác sẽ làm việc đó, những người tích hợp hệ thống như tôi nói ở trên sẽ thực hiện.
Sau này, khi các bạn trở thành những chuyên gia, các bạn có thể làm trong lĩnh vực Tư vấn thiết kế (Presale) hoặc trở thành người kinh doanh (Sale) trong lĩnh vực CNTT, hoặc trở thành chuyên gia của hãng là một hướng đi hoàn toàn khả thi và tích cực.
Với MCSA, cũng tương tự như trên, chữ Quản trị hệ thống gắn với nó chỉ là một phần nhỏ. Các bạn nên trở thành những chuyên gia tích hợp hệ thống, triển khai hệ thống máy chủ và các ứng dụng mạng cho khách hàng. Hướng đi lên cũng như tôi nói trên đây, hoàn toàn tích cực và bổ ích.
CƠ HỘI XIN VIỆC & MỨC LƯƠNG?
Với CCNA, MCSA hay MCITP, nếu lướt qua các trang đăng tuyển việc làm ở Việt Nam như Vietnamworks hoặc các diễn đàn CNTT, các vị trí quản trị của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm được công việc lương tầm 4,5 triệu/tháng. Khi làm quản trị cho các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn, cũng chỉ với chứng chỉ ở mức Associate, các bạn có thể có công việc với mức lương 8, 9 triệu. Khi có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức, với các vị trí cao hơn, công việc quản trị ở các doanh nghiệp lớn, cty nước ngoài hoàn toàn có thể đem lại thu nhập trên một nghìn đô/tháng.
Với hướng đi tích hợp hệ thống, CCNA hay MCSA chỉ là yêu cầu cơ bản đầu tiên, khi vào đây, các bạn cần phát triển kiến thức mình lên cao hơn nhiều nữa để đáp ứng công việc. Mức lương cũng có thể ước chừng như trên, tùy vào những gì bạn có.
TÔI MUỐN PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC LÊN CẤP CAO HƠN, TÔI CÓ NHỮNG LỰA CHỌN NÀO?
Hệ thống chứng chỉ của Cisco hay Microsoft hoặc bất cứ hãng nào khác như Juniper, Sun… đều được tổ chức theo dạng hình kim tự tháp.
Với Cisco, khi đã có chứng chỉ CCNA, tức là khi có kiến thức nền tảng về mạng, bạn có thể phát triển ra các hướng như sau:
  • Chuyên gia về hạ tầng và công nghệ chuyển mạch, định tuyến: CCNP Routing & Switching
  • Chuyên gia về công nghệ Voice và truyền thông: CCNP Voice
  • Chuyên gia về công nghệ hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ: CCNP Service Provider
  • Chuyên gia về thiết kế hệ thống: CCDP(Cisco Certified Design Professional)
  • Chuyên gia về giải pháp bảo mật Cisco: CCNP Security
  • Chuyên gia về Trung tâm dữ liệu: CCNP DataCenter
  • Chuyên gia về Mạng không dây và Hạ tầng thông tin di động: CCNP Wireless
Và qua đó, các bạn cũng hình dung được rất rất nhiều công việc có thể lựa chọn sau này phải không?
Nếu không chỉ dừng lại ở mức Professional, các bạn có thể phát triển lên thành một Expert với chứng chỉ CCIE cũng trong các mảng công nghệ nêu trên.
Hệ thống chứng chỉ của Microsoft cũng được tổ chức theo nhiều cấp bậc, được tổng thành bởi nhiều môn học từ mức độ cơ bản đến chuyên sâu để học viên lựa chọn phát triển. Sau khi hoàn thành Chương trình học MCSA và thi đỗ chứng chỉ MCSA, bạn hoàn toàn có thể phát triển theo các hướng chuyên sâu cấp cao hơn như:
  • Chuyên gia về Hạ tầng máy chủ: MCSE Server Infrastructure
  • Chuyên gia về Hạ tầng máy trạm: MCSE Desktop Infrastructure
  • Chuyên gia về Điện toán đám mây: MCSE Private Cloud
  • Chuyên gia về Hạ tầng Cơ sở dữ liệu: MCSE Data Platform
VẬY LỰA CHỌN CỦA TÔI LÀ GÌ?

Chứng chỉ quốc tế thì có rất nhiều, từ nhiều hãng, đứng ở nhiều cấp độ kỹ thuật và mảng thị trường khác nhau. Điều quan trọng là bạn chọn cho mình điều gì, có thể theo sở thích cá nhân hoặc nhu cầu tuyển dụng. CCNA và MCSA, hai chứng chỉ chúng ta đang quan tâm sẽ cung cấp 2 hướng đi, hạ tầng và ứng dụng hệ thống.

Một chuyên gia tích hợp hệ thống hay một IT Manager, không ai là không hiểu biết rộng về nhiều mảng công nghệ cả. Họ cần hiểu từ hạ tầng, máy chủ, nền tảng Windows, Linux, Sun… để có thể làm tốt công việc. Tuy nhiên, trước hết hãy xây dựng cho mình chuyên sâu về một hướng.

Các chuyên gia hạ tầng sẽ cần có CCNA và CCNP – chuyên sâu về 1 hoặc vài lĩnh vực tùy công việc; và cần cả kiến thức trong nội dung MCSA để hiểu về hoạt động của các ứng dụng.

Các chuyên gia về máy chủ ứng dụng cũng vậy, họ sẽ chuyên sâu về lĩnh vực của mình và nắm thêm về kiến thức hạ tầng để hiểu rõ hoạt động thông suốt của hệ thống.

Vậy học cái gì trước, học cái gì sau không phải là câu hỏi người khác có thể trả lời cho bạn, chỉ là bạn có muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mạng & hệ thống hay không thôi.

Đặc biệt, với sinh viên CNTT cũng như với những người yêu thích lĩnh vực này, việc trang bị được tất cả các chứng chỉ của hai hãng danh tiếng như Cisco và Microsoft là rất đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, riêng với CCNA và MCSA  thì đừng do dự, hãy học ngay khi bạn có thể!

Chúc các bạn có một hướng đi và một tương lai tốt đẹp khi bắt đầu bước chân vào thế giới công nghệ mạng!
 

Post a Comment

0 Comments